Chắc hẳn với các bạn du học sinh tương lai, việc bắt đầu cuộc sống ở một đất nước mới sẽ khiến cho các bạn có nhiều lo lắng, băn khoăn bên cạnh sự háo hức chờ mong để được khám phá một chân trời mới. Một trong những vấn đề mà phần lớn các bạn vô cùng quan tâm đó chính là về chỗ ở. Có những dạng nhà ở nào tại Đức? Mức phí thuê nhà thông thường sẽ dao động trong khoản nào? Nhà sẽ có sẵn đồ hay bạn phải sắm sửa từ đầu?…v.v Bài viết này phần nào sẽ giải đáp những thắc mắc đó của các bạn!
Phần lớn các bạn du học sinh tại Đức nếu không sinh sống cùng người thân thì sẽ có 2 lựa chọn chính là ký túc xá (công và tư) và thuê nhà bên ngoài. Với cả 2 lựa chọn này, các dạng phòng phổ biến sẽ là phòng riêng trong căn hộ chung, phòng đôi trong căn hộ chung hoặc căn hộ studio (dạng căn hộ khép kín dành cho 1 người hoặc cặp đôi) và có phần ít phổ biến hơn là với dạng thuê bên ngoài, bạn cũng có thể chọn dạng ở chung với chủ (nhà hoặc căn hộ còn trống phòng và người chủ cho thuê lại, bạn sẽ sử dụng chung bếp và nhà tắm với gia đình chủ).
Ngoài ra, trong trường hợp cấp bách cần phòng ở trong một thời gian ngắn, dạng nhà thuê tạm thời ( Zwischenmiete) thường sẽ kéo dài từ 1-6 tháng, tuy nhiên bạn thường sẽ không thể đăng ký thường trú (Anmeldung) khi thuê dạng nhà này. Với nhà thuê ngoài, thông thường cũng sẽ được phân ra làm 2 dạng là nhà đã có nội thất và nhà không có nội thất.
1. Ký túc xá
Ký túc xá có lẽ luôn là lựa chọn hoàn hảo nhất với mọi bạn sinh viên bởi những ưu điểm như giá thuê rẻ, an toàn, và cũng rất dễ kết bạn bởi môi trường sinh viên và thông thường cũng đậm chất quốc tế. Tuy nhiên cũng chính vì điều này mà nhu cầu đăng kí ở ký túc xá là rất cao, ở các thành phố lớn, thông thường bạn cần đợi 1-2 kì trước khi đến lượt nhận phòng ở ký túc xá. Dù là ký túc xá công hay tư, các dạng phòng phổ biến cũng là phòng riêng trong căn hộ chung (Einzelzimmer in WG), phòng đôi ( Doppelzimmer) hoặc căn hộ nhỏ khép kín (Einzelappartment).
Dạng căn hộ nhỏ khép kín sẽ là dạng khó có cơ hội thuê nhất bởi thường các ký túc xá sẽ ưu tiên dạng nhà này cho các đôi vợ chồng có con nhỏ. Với dạng phòng riêng trong căn hộ chung, thường sẽ là dạng căn hộ chung cho 2,3,4, hoặc 6 người. Bạn sẽ sử dụng chung bếp lớn và nhà tắm (thường có ít nhất 2) với các bạn cùng nhà, có thể là căn hộ chỉ cho nữ, chỉ cho nam, hoặc dạng mix. Nếu đông hơn, ví dụ như với 10 người, các bạn sẽ sử dụng chung một tầng ký túc xá, khu vực bếp lớn sẽ nằm riêng biệt, là một phòng to với 2 hoặc 4 khu bếp cũng như tủ lạnh dùng chung cho các phòng, tương tự với khu vực nhà tắm có thể ở một khu riêng biệt hoặc đôi lúc bạn sẽ có một phòng vệ sinh nhỏ ngay trong phòng riêng của mình.
Ở tầng hầm các khu ký túc xá thường có phòng giặt sấy mà bạn có thể chi trả bằng tiền trong thẻ sinh viên của mình để sử dụng. Nếu bạn thực sự muốn ở ký túc xá, hãy đăng kí ngay trong lúc chuẩn bị hồ sơ cho trường đại học đó vì thủ tục khá nhanh gọn, bạn cũng không mất lệ phí gì cả, và nếu bạn không lựa chọn đại học đó thì việc đăng kí này cũng được tự động hủy sau đó. Ký túc xá tư cũng là một lựa chọn không tồi, tuy nhiên giá thuê sẽ nhỉnh hơn đôi chút với dạng ký túc xá công. Gía thuê ký túc xá sẽ dao động từ mức 200 Euro tới khoảng 400 Euro tùy thành phố và tùy dạng phòng.
2. Nhà thuê ở ngoài
Trong thời gian chờ đợi phòng ở ký túc xá, sự lựa chọn còn lại của các bạn đó là sẽ tìm nhà thuê ở ngoài. Thông thường bạn có thể tìm nhà ở các trang phổ biến như wg gesucht, immobilienscout24 hay trên các group trên mạng xã hội như Facebook. Có những trường hợp khi thuê nhà ở ngoài bạn cần chấp nhận việc bạn chỉ thuê được phòng ở và không đăng ký thường trú (Anmeldung) với căn phòng đó được. Lúc này thông thường các bạn sinh viên sẽ làm thủ tục đăng ký thường trú tại nhà người thân hoặc ở một căn hộ khác, với một chút phí hàng tháng cho việc này.
Ngoài ra, trong trường hợp bạn muốn thuê nhà của người Đức, bộ hồ sơ ứng tuyển thuê nhà của bạn cũng cần rất nhiều giấy tờ, quan trọng nhất thường sẽ yêu cầu bảng lương và hợp đồng lao động, đây chính là bất lợi lớn nhất của các bạn sinh viên, bên cạnh đó thông thường số người nộp hồ sơ và muốn thuê nhà cũng lên tới vài chục người bởi nhu cầu tìm nhà ở Đức luôn tăng cao. Một điều khác bạn cũng nên chú ý đó là việc nhà đã có sẵn nội thất hay chưa.
Nếu chưa, bạn cần sắm sửa mọi thứ từ đầu ( đôi khi là phải lắp đặt cả hệ thống bếp mới) và điều này có lẽ hơi quá sức với các bạn du học sinh mới sang. Sau khi bạn dọn ra, bạn cần mang toàn bộ đồ nội thất đi và trả lại nguyên hiện trạng nhà trống ban đầu cho chủ, điều này cũng khá mất công khi việc vất rác nội thất của Đức (nếu cần thiết) cũng sẽ tốn thêm một khoản và thủ tục cũng có chút phức tạp.
3. Nhà thuê tạm thời
Trong trường hợp bạn thực sự cần chỗ ở ngay lập tức mà không muốn tiêu tốn quá nhiều tiền cho khách sạn thì nhà thuê tạm thời sẽ là giải pháp cho bạn. Trong thời gian ở chỗ ở tạm thời này bạn cũng có thể tiếp tục tìm kiếm những căn hộ cho thuê lâu dài khác. Dạng nhà thuê tạm thời này thường là do các bạn du học sinh trở về nước thăm nhà hoặc đang bắt đầu kỳ thực tập tại một thành phố khác, hoặc đang tham gia một kỳ học trao đổi ở nước ngoài nên có phòng trống một thời gian.
Phòng thường sẽ có sẵn đủ tiện nghi và bạn không cần sắm sửa thêm gì cả. Gía phòng cũng sẽ thấp hơn với thông thường vì bạn chỉ có thể ở tạm thời cũng như trong phần lớn các trường hợp sẽ không thể đăng ký thường trú (Anmeldung). Bạn có thể tìm thấy dạng nhà thuê này nhiều hơn trên các mạng xã hội và đặc biệt là trong các hội nhóm học sinh.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về các dạng nhà thuê ở Đức. DWN Việt Nam mong rằng các thông tin này sẽ hỗ trợ các bạn có cái nhìn tổng thể hơn cũng như dễ lên kế hoạch cho cuộc sống tại Đức của mình. Trong thời gian tới hãy đón chờ bài viết tiếp theo về các tipps tìm nhà tại Đức của DWN các bạn nhé!
Nguồn thông tin: Sưu tầm